TÌNH HÌNH QUAN HỆ VIỆT NAM - NHẬT BẢN
Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản trong những năm gần đây phát triển mạnh mẽ và tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 2, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 21/9/1973
Khuôn khổ quan hệ: Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á (thiết lập tháng 03/2014 nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang).
Giao lưu, trao đổi đoàn:
Quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Lãnh đạo Nhật Bản thăm Việt Nam: Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (10/2020), là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga sau khi nhậm chức. Thủ tướng Abe Shinzo thăm Việt Nam 4 lần (11/2006, 1/2013, 1/2017 và 11/2017); Chủ tịch Hạ viện thăm Việt Nam tháng 01/2002 và tháng 5/2017; Chủ tịch Thượng viện Yamazaki thăm tháng 12/2015.
Hoàng Thái tử Nhật Bản Naruhito (Nhà vua hiện nay) thăm chính thức Việt Nam tháng 2/2009. Nhà vua Akihito (đã thoái vị, hiện là Thượng Hoàng Nhật Bản) thăm Việt Nam (28/02-5/3/2017); Hoàng tử Nhật Bản Akishino thăm chính thức Việt Nam tháng 6/1999 và thăm với tư cách cá nhân tháng 8/2012.
Lãnh đạo Việt Nam thăm Nhật Bản: Tổng Bí thư Việt Nam thăm Nhật Bản 04 lần; Chủ tịch nước thăm Nhật Bản 03 lần; Thủ tướng Chính phủ thăm Nhật Bản 19 lần; Chủ tịch Quốc hội thăm Nhật Bản 04 lần.
Các cơ chế hợp tác quan trọng:
Ủy ban Hợp tác Việt - Nhật do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch (từ năm 2007, đã họp 11 lần); Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản về ngoại giao - an ninh - quốc phòng cấp Thứ trưởng ngoại giao (từ năm 2010, đã họp 07 lần); Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt - Nhật cấp Thứ trưởng (từ tháng 11/2012, đã họp 07 lần); Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng (từ tháng 11/2013, đã họp 06 lần); Ủy ban hỗn hợp về thương mại, năng lượng và công nghiệp (từ 2014, đến nay đã họp 03 lần); Đối thoại Nông nghiệp cấp Bộ trưởng (từ 2014, đến nay đã họp 05 lần); Đối thoại chính sách biển Việt Nam - Nhật Bản cấp Bộ trưởng (thành lập từ tháng 12/2019).
Hợp tác lãnh sự: Nhật Bản đã mở Tổng lãnh sự quán tại thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng lãnh sự tại Đà Nẵng (tháng 01/2020). Việt Nam mở Tổng Lãnh sự quán tại Osaka (3/1997) và Fukuoka (4/2009); tháng 6/2010, bổ nhiệm 2 Tổng Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại thành phố Nagoya (tỉnh Aichi) và thành phố Kushiro (Hokkaido).
Từ ngày 01/01/2004, Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho người Nhật đi du lịch và kinh doanh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày và từ ngày 01/7/2004, quyết định miễn thị thực nhập cảnh ngắn hạn cho mọi công dân mang hộ chiếu Nhật Bản. Ngày 8/3/2005, hai bên đã trao đổi Công hàm miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản mang Hộ chiếu ngoại giao và công vụ trong thời hạn lưu trú không quá 90 ngày bắt đầu thực hiện từ 01/5/2005.
Nhật Bản bắt đầu thực hiện việc nới lỏng quy chế cấp thị thực nhiều lần (từ ngày 30/9/2014 và nới lỏng hơn từ ngày 15/02/2016) và thị thực một lần (từ 20/11/2014) cho công dân Việt Nam; đơn giản hóa thủ tục xin visa ngắn hạn dành cho người có vị trí trong xã hội (cán bộ, công chức cơ quan nhà nước, nhân viên doanh nghiệp tư nhân, nhà tri thức-văn hóa) từ ngày 01/3/2019.
Hợp tác địa phương hai nước: cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, địa phương của Việt Nam và Nhật Bản đã ký hơn 70 văn bản hợp tác, trong đó các cặp quan hệ tiêu biểu có Tp. Hồ Chí Minh với Osaka (2007), Nagano (2017), Hà Nội với Fukuoka (2008), Tokyo (2013), Đà Nẵng với Sakai (2009), Yokohama (2013), Phú Thọ - Nara (2014), Huế - Kyoto (2014), Hưng Yên - Kanagawa (2015), Hải Phòng - Niigata (2015)...
Hợp tác liên quan đến phòng chống Covid-19:
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide
Từ đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã tác động đến Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt - Nhật trên nhiều lĩnh vực. Hai nước đã phải hủy/hoãn một số hoạt động đối ngoại, đáng chú ý là chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (dự kiến 15-20/3/2020), chuyến thăm Nhật Bản của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng (dự kiến cuối tháng 4/2020), 01 Phó Thủ tướng dự Hội nghị Tương lai Châu Á (dự kiến cuối tháng 5/2020), các cuộc tiếp giữa Lãnh đạo cấp cao Việt Nam với đối tác Nhật Bản, các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao được tổ chức tại Việt Nam và Nhật Bản, các đoàn công tác của các Bộ, Ban, ngành địa phương Việt Nam tới Nhật Bản. Hợp tác lao động, du lịch chịu tác động mạnh mẽ.
Tuy nhiên, hai nước vẫn duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt. Hai bên phối hợp, sẻ chia lập trường tại Hội nghị đặc biệt ASEAN + 3 về ứng phó với dịch bệnh COVID-19 (14/4/2020). Chính phủ và Quốc hội Việt Nam hỗ trợ tổng cộng 1.190.000 khẩu trang y tế và 20.000 khẩu trang vải cho Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ không hoàn lại 01 triệu liều vaccine Astra Zenecca cho Việt Nam (ngày 15/6/2021); hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế thông qua hợp tác song phương cũng như qua các tổ chức quốc tế, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ theo nhu cầu của Việt Nam. Một số địa phương Việt Nam chủ động hỗ trợ Nhật Bản đối phó với dịch bệnh. Việt Nam cũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho hơn 4.000 chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản quay trở lại Việt Nam làm việc; đón hơn 26.000 công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại Nhật Bản về Việt Nam./.
(Tháng 6/2021)