TỔNG QUAN VỀ HỢP TÁC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

VIỆT NAM – NHẬT BẢN

 

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản kể từ khi được chính thức thiết lập vào ngày 21 tháng 09 năm 1973 đã không ngừng được mở rộng và phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Hiệp định Chính phủ về hợp tác Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Nhật Bản đã được ký vào tháng 8/2006, tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà khoa học đẩy mạnh hợp tác thông qua việc trao đổi, chia sẻ thông tin, tạo bước phát triển mới để tăng cường hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ. Hai Bên đã tổ chức bốn (04) Khóa họp Uỷ ban Hỗn hợp về hợp tác Khoa học và Công nghệ để thảo luận các lĩnh vực hợp tác nhằm thúc đẩy hợp tác song phương về khoa học và công nghệ giữa hai nước ngày càng phát triển một cách sâu rộng, tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao; năng lượng mới và các giải pháp môi trường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học ứng dụng trong bào chế thảo dược và ứng dụng trong ngành khoa học sự sống và một số lĩnh vực khác.

 

1

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ tại khóa họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Nhật Bản (tháng 3/2015)

 

1. Hợp tác triển khai Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Khu CNC Hòa Lạc)

Bên cạnh đó, Biên bản ghi nhớ về hợp tác khoa học giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Cơ quan Phát triển Khoa học Nhật Bản (JSPS) đã được ký ngày 01/6/2012 làm cơ sở thúc đẩy và hỗ trợ hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn và khoa học tự nhiên.

Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ bằng nguồn vốn ODA với số vốn vay khoảng trên 28,083 tỷ Yên đã hoàn thành, cung cấp hệ thống hạ tầng chính đồng bộ và hiện đại cho Khu CNC Hòa Lạc. Phía Nhật Bản cũng hỗ trợ đào tạo, sát hạch công nghệ thông tin theo chuẩn kỹ năng của Nhật Bản tại Việt Nam, đào tạo đội ngũ xúc tiến đầu tư của Khu CNC Hòa Lạc và hỗ trợ hoạt động xúc tiến đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Khu CNC Hòa Lạc. Hiện nay, một số doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc, trong đó, Tập đoàn NIDEC dự kiến đầu tư 05 Dự án trên diện tích khoảng 25 ha tại Khu CNC Hòa Lạc; Tập đoàn Nissan Techno đầu tư trung tâm R&D nghiên cứu động cơ ô tô....

2. Hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Trên cơ sở Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ (NOIP), Bộ Khoa học và Công nghệ và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) đã được ký vào tháng 10/2014, hai Bên đã tiến hành trao đổi kinh nghiệm về quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ; tổ chức các khóa đào tạo về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và Nhật Bản dành cho cán bộ Việt Nam; tổ chức các hội nghị, hội thảo về sở hữu trí tuệ cho các đối tượng khác nhau trong xã hội (trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ,…) nhằm nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ; trao đổi thông tin công bố về sở hữu công nghiệp giữa hai Cơ quan nhằm phục vụ việc tra cứu và khai thác thông tin.

Bên cạnh đó, ngày 02/6/2017, NOIP cũng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực chỉ dẫn địa lý với Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản (FIAB), thông qua đó đã cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho thịt bò Kagoshima Wagyu (25/12/2020), hồng khô Ichidagaki và đang xem xét đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý cho cá hồi Miyagi. Ngược lại, JPO đã cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn (12/3/2021) và đang xem xép cấp chứng nhận cho hai sản phẩm khác là thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột.

3. Hợp tác về vũ trụ:

Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam là dự án đặc biệt quan trọng, có tổng vốn đầu tư 54 tỷ Yên do Chính phủ Nhật Bản tài trợ và vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án được đầu tư đồng bộ thành 3 mảng: hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị; chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Về hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị, Dự án sẽ đầu tư xây dựng Trung tâm lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh (AIT), Trạm mặt đất; Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D), Trung tâm Giáo dục Công cộng; Tòa nhà Trung tâm Quản lý, Bảo tàng Không gian và Đài quan sát. Các chuyên gia Nhật Bản cũng sẽ chuyển giao công nghệ và hỗ trợ Việt Nam tự chế tạo hai vệ tinh quan sát trái đất cỡ nhỏ sử dụng công nghệ Radar khẩu độ tổng hợp (SAR) với độ phân giải cao và hỗ trợ Việt Nam ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh.

 

2

Các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Trung tâm vũ trụ Ca-gô-si-ma (Nhật Bản)

 

4. Hợp tác lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân

Việt Nam và Nhật Bản cũng đã ký kết Hiệp định về hợp tác phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình ngày 20/01/2011. Trên cơ sở đó, phía Nhật Bản đã hỗ trợ phía Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ về an toàn hạt nhân và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho chương trình điện hạt nhân của Việt Nam.

5. Hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) đã ký Biên bản hợp tác với Ủy Ban Tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản (JISC), theo đó JISC đã hỗ trợ STAMEQ xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp.

 6. Hợp tác Khoa học công nghệ với vùng Kansai

Kansai là khu vực có nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, triển khai các dự án nghiên cứu chung. Nhiều trường đại học ở vùng Kansai (Đại học Osaka, Kyoto...) tiếp nhận đào tạo nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, vật liệu mới, tự động hóa, môi trường... Riêng trường Đại học Osaka đã ký thỏa thuận hợp tác đào tạo, nghiên cứu với Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam và bước đầu đã triển khai một số hoạt động hợp tác nghiên cứu chung có hiệu quả như Dự án về các giải pháp đa mục tiêu nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu ở Việt Nam và các nước Đông Dương thông qua phát triển năng lượng sinh khối.

Về hợp tác giữa các địa phương, đáng chú ý thành phố Đà Nẵng (Việt Nam) đã ký kết hợp tác thành phố Sakai (Osaka), trong đó, thành phố Sakai sẽ giúp thành phố Đà Nẵng đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong quản lý môi trường. Ở khu vực tư nhân, mặc dù có nhiều tiềm năng hợp tác về khoa học công nghệ giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai bên nhưng kết quả triển khai trên thực tế còn nhiều hạn chế./.

(Cập nhật tháng 6/2021)