Đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam

Tính lũy kế đến ngày 20/4/2021, Nhật Bản có 4.690 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 62,9 tỷ USD. Nhật Bản hiện xếp thứ 02 sau Hàn Quốc (71,6 tỷ USD) trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Riêng 4 tháng đầu năm 2021, Nhật Bản đứng thứ 2/67 quốc gia quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư trên 2,5 tỷ USD, chỉ sau Singapore (4,8 tỷ USD), tiếp theo là Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ,…

Phân theo ngành:

Các nhà đầu tư nước ngoài của Nhật Bản đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đứng đầu là lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo (40,6 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng số vốn đầu tư đăng ký); lĩnh vực Sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa (7,4 tỷ USD, chiếm 11,8%); lĩnh vực Hoạt động kinh doanh bất động sản (7 tỷ USD, chiếm 11,2%); còn lại là các lĩnh vực khác.

Phân theo địa phương:

Nhật Bản có dự án đầu tư tại 57/63 tỉnh, nhiều nhất là Thanh Hóa với tổng vốn đầu tư trên 12,5 tỷ USD, Hà Nội đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD, tiếp theo là Bình Dương (5,8 tỷ USD), TP. Hồ Chí Minh (5,1 tỷ USD), Đồng Nai (4,1 tỷ USD).

Một số dự án lớn của Nhật Bản tại Việt Nam:

- Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng số vốn đăng ký là 9 tỷ USD (vốn của Nhật Bản chiếm 39,8%, Kuwait 35,1%, Việt Nam 25,1%);

- Dự án thành phố thông minh tại huyện Đông Anh, Hà Nội có tổng số vốn đăng ký là 4,1 tỷ USD;

- Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 tỉnh Thanh Hóa (2,8 tỷ USD);

- Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 tỉnh Khánh Hòa (2,6 tỷ USD);

- Dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn tỉnh Kiên Giang (1,3 tỷ USD);

- Dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương tỉnh Bình Dương (1,2 tỷ USD);

1

 

Đầu tư của vùng Kansai vào Việt Nam

Đầu tư của khu vực Kansai vào Việt Nam chiếm khoảng 30% tổng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam. Tính đến nay, có 784 dự án của vùng Kansai (Osaka, Kyoto, Nara, Hyogo, Wakayama, Shiga) và một số tỉnh (Fukui, Toyama, Ishikawa) đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD (Cả nước Nhật có 4.624 dự án với hơn 62 tỷ USD).

Về lĩnh vực đầu tư: bên cạnh những ngành ngành truyền thống như công nghiệp chế tạo, sản xuất linh phụ kiện, nông nghiệp, chế biến thủy hải sản… lĩnh vực dịch vụ, bán lẻ, tài chính, đầu tư gián tiếp tăng lên.

Về địa bàn đầu tư: chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế và một số tỉnh lân cận thành phố lớn như Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên Hà Nam...

2

 

*Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.

Một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước Nhật Bản đầu tư kinh doanh tại Việt Nam

1. “Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030” tập trung vào 6 ngành: (1) Điện tử; (2) Máy nông nghiệp; (3) Chế biến nông, thủy sản; (4) Đóng tàu; (5) Môi trường và tiết kiệm năng lượng; (6) Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.

3

 

4

2. Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản (SKCVN) là cơ chế đối thoại đặc biệt giữa các cơ quan của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm giải quyết các vướng mắc, tiếp thu các đề xuất, khuyến nghị của phía Nhật Bản vào quá trình sửa đổi hoàn thiện chính sách pháp luật về kinh doanh, đầu tư của Việt Nam. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và hai đồng Chủ tịch Uỷ ban kinh tế Việt Nam, Liên đoàn kinh tế Nhật Bản đồng chủ trì cùng với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành như: Công thương, Tài chính, Ngoại giao, Lao động Thương Binh và Xã hội, Khoa học Công nghệ, Tài Nguyên Môi trường, Ngân hàng nhà nước…

SKCVN được thực hiện từ 4/2003 đã hoàn thành 07 giai đoạn, 17 năm thực hiện. Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản khẳng định là hình thức hợp tác đặc biệt và hiệu quả giữa Việt Nam và Nhật Bản, đem nhiều lợi ích cho các doanh  nghiệp Nhật Bản đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng như tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở kết quả đã đạt được trong 7 giai đoạn, hai bên đang tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

5

(Cuộc họp Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 7)

 

Đầu tư của Việt Nam sang Nhật Bản

Tính lũy kế đến ngày 20/4/2021, Việt Nam có 90 dự án đầu tư sang Nhật Bản còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 22,6 triệu USD, chiếm 0,1% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài lũy kế của Việt Nam. Nhật Bản hiện đứng thứ 34 trong tổng số 78 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Việt Nam đầu tư sang Nhật Bản vào 10 ngành lĩnh vực, trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin (7,6 triệu USD); Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ ( 5,27 triệu USD); Lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy ( 5,1 triệu USD)…

Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam có hoạt động đầu tư sang 15 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản đứng thứ 14 với 01 dự án đầu tư mới, vốn đăng ký là 47.950 USD, chỉ chiếm 0,01% tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh trong kỳ.

 

*Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.

(Tháng 06/2021)